Thiệp mời là bộ mặt của sự kiện cho nên việc chọn chất liệu vô cùng quan trọng. Chất liệu in thiệp mời rất phong phú tùy theo ý tưởng và mong muốn của người tổ chức sự kiện .
Đối với những sự kiện phổ thông, những tấm thiệp in offset trên các loại giấy phổ biến như Fort, Couche nếu phối hợp với design đẹp cũng đủ tạo ấn tượng với người tham dự. Tuy nhiên, ở những sự kiện mang tính sang trọng, muốn thể hiện đẳng cấp của nhà tổ chức, chẳng hạn một buổi networking dành cho doanh nhân hay ra mắt một loại mỹ phẩm đắt tiền,
Giấy mời cần phải sử dụng những chất liệu cao cấp hơn để đề cao giá trị của sự kiện. Hiện nay các nhà in ấn đều cung cấp rất nhiều mẫu giấy mỹ thuật để chúng ta có thể lựa chọn làm chất liệu cho tấm thiệp của mình. Giấy mỹ thuật có thể có vân, gân hay họa tiết chìm, có mùi thơm hay không mùi. Ngoài ra còn một vài chất liệu đặc biệt như giấy dó, giấy pơluya…
Nhưng dù thế nào, chúng ta cũng nên lưu ý chọn giấy để in giấy mời có độ dày tương đối để tấm thiệp luôn thẳng thớm, thể hiện sự tôn trọng dành cho người nhận. Còn nhớ ở một lễ trao giải trong ngành quảng cáo, nhà tổ chức đã thiết kế in ấn một tấm thiệp dài khá ấn tượng nhưng không hiểu do muốn tiết kiệm tiền hay như thế nào, mà họ lại chọn loại giấy Couche khá mỏng, làm cho tấm thiệp luôn “ưỡn ẹo” trên tay người cầm. Định lượng giấy phù hợp để làm thiệp nên từ 220gsm trở lên.
Có nhiều phương pháp làm thiệp mời khiến ta phải cân nhắc sao cho tiết kiệm, hiệu quả nhất. Đối với những sự kiện có từ 500 – 1000 khách mời, chúng ta có thể chọn hình thức in offset bởi vì hình thức này vừa rẻ mà chất lượng in lại cao, còn với sự kiện có dưới 300 khách mời, chúng ta có thể thực hiện in kỹ thuật số (in nhanh) bởi hình thức in này phù hợp với các bản in số lượng ít. Đi cùng với in offset, người ta có thể cấn bế tạo hình cho tấm thiệp, in UV(hay phun UV) phủ toàn bộ bề mặt thiệp hay UV định hình cho thiệp để làm nổi bật một câu chữ hay hình ảnh đặc biệt trên tấm thiệp đó.
Mẫu thiệp mời thông thường nhất phải nêu bật tên của sự kiện là bữa tiệc cảm ơn, thiệp cưới, thư mời tham dự hội nghị khách hàng, hay tham dự một buổi hòa nhạc… Tiếp đó là thời gian, địa điểm tổ chức, chương trình. Người đứng ra tổ chức là ai cũng là thông tin quan trọng không thể thiếu. Nếu chương trình có nhà tài trợ thì tùy theo thiết kế phải thể hiện quyền lợi nhà tài trợ (logo, tên thương hiệu…).